Chuyện về “cha đẻ” của liệu pháp mùi hương: Sáng chế thay đổi thế giới từ tai nạn tình cờ
Tình cờ vì một tai nạn bỏng, người đàn ông này đã trở thành ‘cha đẻ’ của ngành Aromatherapy, liệu pháp mùi hương hiện đại.
Hương thơm vốn là thứ không hình dáng cũng chẳng âm thanh gì nhưng luôn có sức cuốn hút lạ kỳ, tác động sâu sắc đến cả thể chất và tâm thần của con người. Nghe có vẻ kỳ diệu, phi lý nhưng thực tế đúng là như vậy.
Liệu pháp mùi hương (phương pháp trị liệu bằng hương thơm của tinh dầu nguyên chất) từ lâu đã được coi trọng và sử dụng như cách xoa dịu tinh thần, thậm chí chữa bệnh an toàn.
Từ đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, bác sĩ, dược sĩ đồng thời là nhà thực vật học người Hy Lạp Pedanius Dioscorides đã phát hiện khả năng chữa bệnh của thảo dược và tinh dầu. Ông trình bày nghiên cứu của mình trong bộ bách khoa toàn thư về thực vật học mang tên “De Materia Medica”.
Đến thế kỷ 11, tinh dầu trở nên phổ biến. Việc chiết xuất tinh dầu thiên nhiên cũng dễ dàng hơn khi kỹ thuật chưng cất hơi nước được phát minh.
Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, liệu pháp mùi hương mới chính thức ra đời. Nó gắn liền với tên của nhà hóa học người Pháp René-Maurice Gattefossé. Tình cờ vì một tai nạn bỏng, ông đã trở thành “cha đẻ” của ngành Aromatherapy, liệu pháp mùi hương hiện đại.
Sự tận tụy của người đàn ông có niềm đam mê cháy bỏng với nước hoa
René-Maurice Gattefossé sinh ngày 19 tháng 12 năm 1881 tại Lyon, Pháp. Ông là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Tuổi thơ của Gattefossé được đắm chìm trong những mùi hương nồng nàn, tinh túy của đất trời bởi cha ông là Louis, người sáng lập công ty Etablissement Gattefossé, chuyên sản xuất tinh dầu, sản phẩm gia dụng và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp mùi hương nước hoa.
Gattefossé học kỹ thuật hóa học tại Đại học Lyon rồi nhanh chóng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Trong khi anh trai Abel phụ trách mảng thương mại và hành chính, René-Maurice tập trung nghiên cứu về tinh chất và nước hoa.
Gattefossé luôn là một người luôn dồi dào sáng tạo trong các công thức sản xuất mùi hương nước hoa. Năm 1906, ông xuất bản cuốn sách “Le guide pratique et formulaire du parfumeur moderne”, là kết quả nghiên cứu của chính ông và bằng chứng về nhiều loại sản phẩm được ông nghiên cứu, ghi nhận. Cột mốc này đã gây được tiếng vang lớn cho công ty gia đình của Gattefossé.
Năm 1907, Gattefossé đến gặp những người trồng hoa oải hương ở tỉnh Alpes de Haute Provence (Pháp) vì tinh dầu loài hoa này là thành phần thiết yếu trong nước hoa.
Gattefossé không đành lòng khi chứng kiến điều kiện sống và làm việc tồi tàn của những người nông dân nơi đây. Ông quyết định giúp đỡ họ và cam kết phát triển nghành nông nghiệp trồng hoa oải hương Pháp.
Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã được cấp bằng sáng chế cho các kỹ thuật cải tiến và hiện đại hóa các cơ sở chưng cất mùi hương. Ông giúp nông dân trồng những cánh đồng hoa oải hương rộng hàng chục ha, thành lập các vườn ươm chọn lọc và thành lập hiệp hội các nhà sản xuất hoa oải hương.
Gattefossé cũng tổ chức dây chuyền từ sản xuất và chọn lọc đến chế tạo mùi hương nước hoa. Chỉ trong vài năm, khối lượng thu hoạch và tinh dầu chưng cất đã tăng lên đáng kể. Tinh chất hoa oải hương Pháp cuối cùng đã được công nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Chính trong những năm đó, Gattefossé đã tiếp thu kiến thức và bí quyết của người nông dân. Họ đã dạy cho ông về công dụng chữa bệnh của loài hoa này.
Đam mê với công việc, Gattefossé muốn viết và truyền lại những khám phá, nghiên cứu và công nghệ mới của mình bằng cách thành lập tạp chí đầu tiên, cũng là để bảo vệ ngành công nghiệp nước hoa Pháp: La Parfumerie Moderne.
Đó là một nền tảng thực sự cho công ty Etablissement Gattefossé của gia đình và cho bản thân ông có cơ hội xuất bản nhiều bài báo về hoa oải hương và các đặc tính trị liệu của nó.
Xem thêm: Nguồn gốc và quy trình sản xuất tinh dầu nước hoa cao cấp từ thiên nhiên
Tai nạn tình cờ đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự ra đời của liệu pháp mùi hương
Vào những năm 1910, Gattefossé tiếp tục các hoạt động của mình với tư cách là một nhà hóa học.
Vào ngày 25 tháng 7 năm 1910, khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm, một chiếc bình đáy tròn đã phát nổ và bốc cháy, ông bị dung dịch tinh chất đang sôi bắn vào người. Đầu và cả hai tay của ông bị bỏng khá nặng.
Vào thời điểm này, vết bỏng thường được điều trị bằng băng vải tuyn giàu dầu. Khi vết thương dần loét và bốc mùi, Gattefossé nhớ đến lời của những người nông dân trồng hoa oải hương đã nói với ông rằng vết bỏng có thể chữa lành bằng tinh dầu oải hương.
Gattefossé tháo băng ra và thoa dầu hoa oải hương lên da. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Chỉ 2 ngày sau, cơn sốt giảm dần và vết nhiễm trùng biến mất. Vết thương lành lại tương đối nhanh chóng mà không để lại sẹo. Gattefossé đã được cứu sống, theo đúng nghĩa đen, khỏi một trường hợp hoại tử có khả năng gây tử vong.
Đối với Gattefossé, trải nghiệm của bản thân đã giúp ông khẳng định giả thuyết rằng tinh dầu oải hương có đặc tính sát trùng và chữa bệnh tuyệt vời.
Sau tai nạn ấy, Gattefossé bắt tay vào một sứ mệnh mới: Thuyết phục giới y học rằng liệu pháp này thực sự hiệu quả.
Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu các đặc tính hóa học có lợi của tinh dầu oải hương, đồng thời cũng quan tâm đến các loại tinh dầu khác. Sau đó, ông bắt tay vào một loạt thí nghiệm tại các bệnh viện, đầu tiên là quân đội và sau đó là dân sự.
Sự ra đời của liệu pháp mùi hương
Một sự kiện khác có tác động to lớn xảy ra vào năm 1915. Nó đã thúc đẩy Gattefossé phát triển thêm liệu pháp mùi hương (hay còn gọi với cái tên tiếng Anh là Aromatherapy).
Anh trai của Gattefossé, Abel, tử vong vì bệnh truyền nhiễm trong chiến tranh.
Gattefossé rất đau đớn vì điều này và quyết định cống hiến hết mình để phát triển một loại thuốc sát trùng có mùi hương mà ông gọi là SALVOL.
Khi dịch cúm Tây Ban Nha tấn công mạnh vào năm 1918, ông tin rằng SALVOL có thể cứu sống nhiều người.
Để quảng bá tính hiệu quả của hỗn hợp mùi hương của mình, ông đã đăng trên tạp chí La Parfumerie Moderne một nghiên cứu về đặc tính diệt khuẩn của tinh dầu trên môi trường nuôi cấy staphylococcus. Hóa ra tinh chất khử của hoa oải hương, hương thảo và SALVOL đã tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu ngay trong giờ đầu tiên tiếp xúc. Nhiều bệnh viện quân sự, dân sự ở Pháp và cả nước ngoài sau đó đã sử dụng thành công.
Tuy nhiên, Gattefossé không muốn biến công thức SALVOL thành một sản phẩm thương mại, vì tin rằng nó là tài sản công được sử dụng vì lợi ích chung. Vì vậy, ông sẵn sàng bày cách sản xuất cho ai cần.
Năm 1918, em trai Robert của ông cũng chết vì nhiễm trùng. Những năm đó thật khó khăn đối với Gattefossé nhưng thời gian đó đã giúp Gattefossé hình thành niềm tin rằng tinh dầu tạo nên một phương pháp điều trị và chữa bệnh hoàn toàn mới.
Gattefossé đã chứng minh tính hiệu quả của liệu pháp mùi hương trong môi trường bệnh viện bằng cách ghi lại quá trình theo dõi lâm sàng của các bệnh nhân được điều trị bằng tinh dầu tại một số bệnh viện ở Lyon. Người ta phát hiện ra rằng các bệnh khác nhau, nhưng các đơn thuốc tương đối giống nhau.
Vào những năm 1920-1930, các thí nghiệm của Gattefossé dần được công nhận. Ông đã viết về tác dụng sinh lý của các dung dịch thơm và xuất bản 4 tập sách về công dụng chữa bệnh của hoa oải hương. Ông sản xuất xà phòng và kem sát trùng. Một lần nữa, SALVOL trở nên phổ biến để khử trùng trong bệnh viện cũng như trong các nhà máy, doanh trại, trường học, rạp chiếu phim, trên đường sắt…
Dựa trên kết quả của nhiều thí nghiệm, Gattefossé đã viết một bản tóm tắt nghiên cứu của mình vào năm 1937 trong một cuốn sách mà ông gọi là “Liệu pháp mùi hương”.
Một năm sau đó, ông xuất bản cuốn sách thứ hai. Trong đó ông trình bày chi tiết về đặc tính diệt khuẩn và diệt vi sinh vật của các tinh chất.
Gattefossé thích chia sẻ kiến thức của mình nên ông xuất bản tổng cộng hơn 30 cuốn sách khoa học và kỹ thuật, chưa kể rất nhiều bài báo. Trong khi quản lý công ty Gattefossé, ông tiếp tục làm biên tập viên cho tờ La Parfumerie Moderne và viết nhiều bài báo.
Gattefossé tiếp tục phát triển công ty, tạo ra một loạt các sản phẩm thú y có chứa tinh dầu rất thành công, sau đó chuyển sang da liễu để điều trị các bệnh về da bằng tá dược mới của mình là nhũ tương pha liên tục trong nước.
Ông cũng sản xuất các sản phẩm làm đẹp, sản phẩm cho tóc, vòng cổ có mùi hương, các loại kem dưỡng da… Niềm đam mê với tinh dầu đã đưa ông đi nhiều nơi trên thế giới, Bắc Phi, Bulgaria, Sicily, Istanbul…
Là một người có tinh thần tự do, Gattefossé muốn hiểu khoa học cũng như triết học, và trên hết muốn sử dụng khoa học để nghiên cứu sáng tạo vì lợi ích của loài người.
Năm 1950, trong chuyến thăm Moroco cùng em trai là nhà thực vật học Jean Gattefossé, ông bị thuyên tắc phổi và đột ngột qua đời. Con trai của ông, Henri-Marcel, tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình và tiếp tục các nghiên cứu về tinh dầu do Gattefossé khởi xướng.
Liệu pháp mùi hương thực sự có hiệu quả hay không?
Vài thập kỷ trước, người ta vẫn chưa công nhận tác dụng to lớn của liệu pháp này và các nhà khoa học gọi nó là hiệu ứng placebo. Nghĩa là, người ta chỉ “cảm giác” cơ thể dường như khỏe và thư thái hơn khi ngửi mùi hương.
Tuy nhiên, sau đó, các nhà khoa học ở cả Nhật Bản và Đức, với nhiều nghiên cứu, đã chứng minh rằng mùi hương của hoa thực sự có tác động tốt đến cơ thể nhờ chất có tên linalool.
Đây là một loại “cồn thiên nhiên” có tính năng an thần mạnh. Như vậy, việc hít thở mùi hương hoa lavender tạo cảm giác thư giãn không khác gì… các loại thuốc an thần, như benzodiazepines hay valium. Mà quan trọng là chúng có nguồn gốc tự nhiên, không gây tác dụng phụ.
Sẽ còn cần nhiều nghiên cứu khoa học nữa về liệu pháp mùi hương nhưng có một điều có thể khẳng định rằng nó thực sự hiệu quả, đáng để mọi người sử dụng hàng ngày.
Nguồn: https://kenh14.vn/chuyen-ve-cha-de-cua-lieu-phap-mui-huong-sang-che-thay-doi-the-gioi-tu-tai-nan-tinh-co-20230415165131076.chn